Địa hình chiến trường và bố trí binh lực các bên Trận_Khâm_Đức

Địa hình chiến trường

Khâm Đức là một thung lũng nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, trên triền Đông dãy Trường Sơn, nơi có đường 14 chạy qua, nối với Tây Nguyên và xuyên thẳng xuống các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khâm Đức có vị trí quân sự quan trọng, nơi có thể án ngữ hành lang đi lại từ đồng bằng lên miền núi và khống chế cả Tây Nguyên, vùng Hạ Lào. Thung lũng Khâm Đức ở phía Tây Bắc huyện Phước Sơn, chiều dài căn cứ 3 km, chiều ngang 1,5 km bằng (4,5km²) phía Bắc và Tây Bắc có các dãy núi cao từ 600 đến 800m so với mặt biển. Phía Nam có sông Nước Chè, bên kia sông có các điểm cao Trà Dê (676 mét). Ngok Tavak (738 mét), phía Đông giáp sông Nước Trẻo và Đak Mi, phía Tây là những dãy rừng bạt ngàn. Đường 14 bắt đầu từ Hoà Cầm - Hoà Vang - Quảng Đà đi qua Thượng Đức lên Khâm Đức gặp đường số 16 tạo thành ngã 3 vắt qua Tây Nguyên xuyên thẳng đến phía Đông Nam Bộ. Ngok Tavak là một cứ điểm tiền tiêu, địa hình vách núi đứng, cách Khâm Đức 7 km về hướng Tây Nam. Trên đỉnh cứ điểm Ngok Tavak là Trung tâm chỉ huy, khu thông tin và trận địa pháo, xung quanh từng khu và toàn cứ điểm có hàng rào kẽm gai dày đặt bom mìn.

Bố trí binh lực các bên

Liên quân Mỹ-VNCH

Lực lượng của liên quân Mỹ-VNCH ở Khâm Đức lúc bấy giờ có 1 Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 7 đại đội biệt kích Long Hổ và Hắc Hổ, 1 đại đội pháo binh, bố trí thành 10 cứ điểm, khu trung tâm gồm 5 cứ điểm có tên (A- B- C-V- Z) và sân bay quân sự; khu ngoại vi gồn 5 cứ điểm (Đ-E- H- I - K) công sự rất kiên cố do đồn trú lâu ngày được củng cố xây dựng liên tục.

Giữa tháng 2/1968, liên quân Mỹ-VNCH cho 2 đại đội đổ xuống Ngok Tavak hình thành cứ điểm tiền tiêu ở phía Tây Nam cách trung tâm 7 km, đưa số quân lên 9 đại đội cả Khâm Đức và Ngok Tavak tương đương trung đoàn. Quân tuy đông, công sự tuy vững chắc, nhưng mục tiêu nằm sâu trong vùng giải phóng của QGP, nhận tiếp tế và quân tăng viện bằng đường không, khi bị tấn công, lực lượng chi viện có Sư đoàn Americal Mỹ. Là chỗ yếu của cụm cứ điểm này, nên liên quân Mỹ-VNCH thường dùng thủ đoạn tổ chức phòng ngự từ xa lùng sục cách cứ điểm từ 3–5 km), cách cụm cứ điểm (10–15 km)

Liên quân Mỹ-VNCH bố trí tại cứ điểm Ngok Tavak gồm 3 khu, có 01 đại đội biệt kích (thuộc lực lượng đặc biệt), 01 đại đội bộ binh quân chủ lực (thuộc Sư đoàn 2 ngụy), 01 trung đội pháo 105 ly với 33 quân Mỹ (thuộc Pháo đội D, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ), 8 cố vấn Mỹ và 3 cố vấn Australia trực tiếp chỉ huy. Trên đỉnh là Trung tâm chỉ huy, khu thông tin và trận địa pháo, xung quanh từng khu và toàn cứ điểm có hàng rào kẽm gai dày đặt bom mìn. Lực lượng quân liên quân Mỹ-VNCH tập trung đông nhất ở Ngok Tavak là khu vực sân bay trực thăng, gồm 01 đại đội bộ binh. Phía Bắc sân bay trực thăng có 4 lô cốt và 01 trung đội biệt kích bảo vệ, vòng ngoài có 2 lớp hàng rào kẽm gai xen kẻ với bãi mìn sát thương chống bộ binh; phía Đông Nam cứ điểm là khu căng ting (nơi giải trí) cho binh sĩ có 01 trung đội biệt kích bảo vệ; phía Tây Ngok Tavak có 01 trung đội biệt kích chốt giữ sát đường 14, chung quanh cứ điểm có hệ thống đường cơ động, hàng rào kẽm gai xen kẻ với các bãi mìn, hệ thống cảnh báo, pháo sáng. Trang bị gồm: 2 pháo 105mm, 1 cối 106,7mm, 3 cối 81mm, 3 trọng liên 12,7mm, 9 đại liên và súng bộ binh các loại. Liên quân Mỹ-VNCH xây dựng hệ thống công sự trận địa phòng ngự tương đối vững chắc, nhưng do cứ điểm Ngok Tavak nằm sâu trong vùng căn cứ của QGP nên khả năng chi viện đường bộ và hỏa lực pháo binh hạn chế, nếu bị QGP tiến công dễ bị cô lập.

Trên hướng Núi Ngang, liên quân Mỹ-VNCH có 1 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 196, Sư đoàn Americal. Chi viện cho lực lượng ở Núi Ngang có quân của Lữ đoàn 196 đóng ở Liệt Kiểm, Cấm Dơi và Lữ đoàn 198 đóng ở Tuần Dưỡng.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Lực lượng quân sự

Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 2, Quân Giải phóng thực hiện vai trò chủ công tại Khâm Đức, Trung đoàn 1 phụ trách Ngok Tavak.

Quần chúng nhân dân

Nhân dân các xã địa phương chuẩn bị phương án hỗ trợ, tham gia cùng QGP đánh địch khi cần thiết. Nhân dân địa phương đã cùng QGP tổ chức bố phòng, đào hầm trú ẩn tránh phi pháo của địch, đồng thời tăng cường bảo vệ địa bàn và sẵn sàng đánh địch khi chiến sự xảy ra. Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng và các đoàn thể quần chúng, nhất là Huyện đội phải bám sát xã, thôn, nắm chắt tình hình đời sống nhân dân và thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không hoang mang, dao động. Chỉ sau 10 ngày phát động, cuối tháng 4 năm 1968, nhân dân các xã đã ủng hộ cho bộ đội trên 50 tấn lương thực và thực phẩm. Nhân dân các dân tộc Phước Sơn nói chung, nhân dân làng Đăk Nhẽ Mừng và Đăk Nhẽ Keo nói riêng họ bất hợp tác với VNCH, bỏ làng đi nơi khác.[12]